Na Uy từ năm 1814 đến năm 1905
Na Uy từ năm 1814 đến năm 1905
Sự tan rã của liên hiệp và liên hiệp mới
Vào đầu thế kỷ 19 chiến tranh xảy ra tại nhiều nơi ở châu Âu, trong số đó có cuộc đại chiến giữa Anh và Pháp. Cuộc xung đột này được gọi là các cuộc chiến Napoléon. Đan Mạch-Na Uy đứng về phía Pháp, và khi Pháp thua trận, thì vua Đan Mạch phải nhường lại Na Uy cho Thụy Điển, là nước đã đứng về phía Anh.
Vì thế, liên hiệp giữa Đan Mạch và Na Uy bị giải thể vào năm 1814. Nhiều người Na Uy hy vọng rằng Na Uy lúc đó sẽ trở thành một quốc gia độc lập, và 112 người đàn ông quyền lực đã tập họp lại tại Eidsvoll. Một trong những mục đích là soạn thảo một hiến pháp cho nước Na Uy độc lập. Ngày 17 tháng 5 năm đó, Na Uy có được hiến pháp riêng. Do đó năm 1814 là một năm quan trọng trong lịch sử Na Uy.
Tuy vậy, Na Uy đã bị buộc phải gia nhập vào liên hiệp với Thụy Điển, và vào tháng 11.1814, khối liên hiệp giữa Thụy Điển và Na Uy là một thực trạng. Liên hiệp với Thụy Điển lỏng lẻo hơn so với liên hiệp trước đó với Đan Mạch. Na Uy được phép giữ hiến pháp của mình với một số thay đổi và cũng được quyền tự trị. Quốc hội Na Uy, Stortinget, được thành lập vào năm 1814.
Chính sách đối ngoại do Thụy Điển điều hành, và vua của hai nước là người Thụy Điển. Tên của nhà vua là Karl Johan và đường phố chính ở Oslo được đặt theo tên của vị vua này.
Chủ nghĩa lãng mạn quốc gia và bản sắc Na Uy
Vào khoảng giữa thế kỷ 19, một khuynh hướng mới trong nghệ thuật và văn hóa đã khởi sắc ở châu Âu. Khuynh hướng đó được gọi là chủ nghĩa lãng mạn quốc gia. Điều quan trọng là nhấn mạnh các đặc điểm dân tộc và làm cho những đặc điểm này thậm chí còn tốt hơn so với thực tế. Cảnh thiên nhiên tuyệt diệu ở Na Uy được làm nổi bật đặc biệt, và cộng đồng nông dân được coi là "điển hình của Na Uy". Chủ nghĩa lãng mạn quốc gia được thể hiện trong cả văn học, nghệ thuật thị giác và âm nhạc. Niềm tự hào vì mình là người Na Uy đã triển nở nơi nhiều người, và nhiều người mong muốn Na Uy trở thành một quốc gia độc lập.
Sau nhiều thế kỷ liên hiệp với Đan Mạch, ngôn ngữ viết ở Na Uy là tiếng Đan Mạch. Ngôn ngữ viết mà hiện thời chúng ta gọi là bokmål, là từ tiếng Đan Mạch được biến thể thành tiếng Na Uy. Trong thời kỳ của chủ nghĩa lãng mạn quốc gia, nhiều người Na Uy nghĩ rằng chúng ta nên có ngôn ngữ viết riêng không xuất xứ từ tiếng Đan Mạch. Do đó, nhà ngôn ngữ học Ivar Aasen đã đi vòng quanh Na Uy và thu thập các thí dụ ngôn ngữ từ các thổ ngữ khác nhau. Từ những thí dụ này, ông đã kiến tạo một ngôn ngữ viết mới, nynorsk. Cả nynorsk và bokmål đều đã phát triển nhiều kể từ thế kỷ 19, nhưng cả hai đều là ngôn ngữ chính thức. Ngoài ra, tiếng Sami cũng là ngôn ngữ chính thức ở Na Uy.
Từ nông nghiệp sang công nghiệp
Trước đây, Na Uy là một xã hội nông nghiệp. Vào giữa thế kỷ 19, khoảng 70% dân số ở Na Uy sống ở vùng nông thôn. Họ chủ yếu làm nghề nông và đánh cá. Cuộc sống thật kham khổ đối với nhiều người. Dân số gia tăng, đất đai và việc làm lại không có đủ cho mọi người. Đồng thời, có những thay đổi tại các thành phố. Các nhà máy được thành lập ở đây, và nhiều người đã di chuyển từ nông thôn lên thành phố để tìm việc làm. Cuộc sống ở thành phố thật khó khăn đối với nhiều gia đình thuộc tầng lớp lao động. Ngày làm việc dài, và điều kiện cư ngụ tồi tệ. Các gia đình thường có nhiều con, và nhiều gia đình chung sống trong một căn hộ nhỏ không phải là điều lạ. Nhiều trẻ em cũng phải làm việc trong các nhà máy để gia đình có khả năng trang trải.
Trước năm 1850 khoảng 15% dân số cư ngụ ở các thành phố. Vào cuối thế kỷ 19, 35% dân số sống ở các thành phố. Năm 1900, 23% nhân lực lao động, làm việc trong ngành công nghiệp. Từ năm 1850 đến năm 1920, có hơn 800.000 người Na Uy di cư đến Mỹ.
Một quốc gia tự do và độc lập
Sau khi xảy ra bất đồng chính kiến với nhà vua ở Thụy Điển, ngày 07.06.1905 quốc hội Na Uy tuyên bố là nhà vua Thụy Điển không còn là vua của Na Uy, và liên hiệp với Thụy Điển bị giải thể. Ở Thụy Điển có các phản ứng mạnh mẽ, và một cuộc chiến suýt bùng nổ giữa Na Uy và Thụy Điển. Qua hai cuộc trưng cầu dân ý trong cùng năm, người ta đã quyết định giải thể liên hiệp với Thụy Điển và nhà nước mới của Na Uy sẽ là một thể chế quân chủ.
Nhà vua Thụy Điển đã chấp nhận kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý này. Hoàng tử Đan Mạch Carl được bầu làm tân vương của Na Uy. Ông lấy vương hiệu Na Uy là Haakon. Vua Haakon VII trị vì tại Na Uy từ năm 1905 cho đến khi ông băng hà vào năm 1957.
Cùng thảo luận
- Tại sao chúng ta ăn mừng ngày 17.05 ở Na Uy?
- Ngày quốc khánh được kỷ niệm khác nhau tuỳ theo từng quốc gia. Ở các nước mà bạn biết đến, người ta mừng ngày quốc khánh như thế nào? Những điều gì là giống hoặc khác với cách người Na Uy mừng lễ quốc khánh?
- Vào thế kỷ 19, tinh thần quốc gia trở nên mạnh mẽ hơn nơi nhiều người Na Uy. Tinh thần quốc gia là gì, và làm thế nào có được?
- Điều gì có thể là tiêu cực với tinh thần quốc gia mạnh mẽ, và điều gì có thể là tích cực?
- Theo bạn nghĩ, thời kỳ liên hiệp giữa Na Uy và Thụy Điển có ý nghĩa gì đối với mối quan hệ hiện nay giữa hai nước?
- Bây giờ bạn đã học được phần nào về lịch sử Na Uy trong giai đoạn từ 1814 đến 1905. Bạn có nghĩ là trong số những điều bạn đã học, đã có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của nước Na Uy hiện đại không?
Chọn câu trả lời đúng
Khi nào Na Uy có hiến pháp riêng?
Chọn câu trả lời đúng
Na Uy liên hiệp với Thụy Điển khi nào?
Chọn câu trả lời đúng
Ivar Aasen đã kiến tạo tiếng Na Uy mới - nynorsk như thế nào?
Chọn đúng hay sai
Đọc các nhận định này. Điều gì đúng? Điều gì sai?
Chọn đúng hay sai
Đọc các nhận định này. Điều gì đúng? Điều gì sai?
Nhấn vào hình này
Nhấn vào đúng thời kỳ trong dòng thời gian. Khi nào Haakon VII là quốc vương của Na Uy?